những vấn đề chung về biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí

Download Report

Transcript những vấn đề chung về biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí

A. MỤC TIÊU CẦN ĐẠT
1. Học viên cần biết và hiểu :
- Những kiến thức cơ bản về biến đổi khí hậu
(BĐKH).
- Mục tiêu, nội dung giáo dục BĐKH trong môn
học.
- Phương pháp và hình thức dạy học lồng
ghép, tích hợp nội dung giáo dục BĐKH trong
môn học.
- Cách khai thác nội dung để thiết kế bài dạy
có lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục BĐKH
vào các bài học trong môn học.
2. Học viên có khả năng :
- Rà soát nội dung, chương trình môn học, từ
đó xác định được các bài có khả năng lồng ghép,
tích hợp nội dung giáo dục BĐKH trong môn học.
- Thiết kế bài dạy và dạy học (môn học) theo
hướng lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục
BĐKH.
- Tích cực thực hiện dạy học lồng ghép, tích
hợp nội dung giáo dục BĐKH vào môn học.
B. MỘT SỐ KIẾN THỨC VỀ KHÍ HẬU VÀ
BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Khái niệm biến đổi khí hậu, biểu hiện
của biến đổi khí hậu
Hoạt động 1
Căn cứ vào kinh nghiệm và hiểu biết về
BĐKH, căn cứ vào các thông tin về BĐKH
trên các phương tiện thông tin mà thầy/cô
biết, hãy thảo luận trong nhóm, trả lời các
câu hỏi sau:
1. BĐKH là gì?
2. Nêu những biểu hiện của BĐKH?
Thông tin phản hồi cho hoạt động 1
1.Khái niệm về khí hậu và biến đổi khí hậu
Dù sống ở bất cứ nơi đâu, một trong những
điều mà mọi người đều chú ý hàng ngày là quan
sát thời tiết hoặc theo dõi bản tin dự báo thời tiết
trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nếu dự
báo trời nắng, bầu trời quang đãng mọi người sẽ
đội mũ khi ra đường; nếu dự báo trời mưa, mọi
người sẽ mang theo ô. Vậy thời tiết là gì? Thời
tiết là các đặc trưng về nhiệt độ, lượng mưa,
nắng, gió...xảy ra trong thời gian ngắn (một giờ,
một ngày hoặc vài ngày), tại địa phương nào đó.
Khi đi du lịch đến một nơi nào đó, chúng ta
cũng thường quan tâm đến đặc điểm khí hậu
nơi đó.
Ví dụ: Khí hậu miền Bắc có mùa đông lạnh,
mưa phùn; Khí hậu miền Nam nước ta quanh
năm nóng với mùa mưa và mùa khô rõ rệt; Đà
Lạt có khí hậu quanh năm mát mẻ.
Vậy khí hậu là gì?
Khí hậu là giá trị trung bình nhiều năm của
nhiệt độ, lượng mưa, nắng, gió...ở một nơi nào đó
một tỉnh, một nước, một vùng lãnh thổ rộng lớn.
Chuỗi số liệu để đánh giá khí hậu thường có độ dài
30 năm..
Khí hậu được hình thành bởi các nhân tố
hình thành khí hâu, đó là: bức xạ mặt trời, đặc
điểm bề mặt đất và chuyển động của không khí.
Ánh sáng mặt trời là nguồn năng lượng
chính cung cấp cho bề mặt đất, là nhân tố chính
hình thành nên khí hậu.
Đặc điểm của bề mặt đất quyết định đến
khả năng hấp thụ ánh sáng mặt trời. Vùng núi
đá nóng rất nhanh vào ban ngày và lạnh đi rất
nhanh vào ban đêm. Vì vậy ở vùng núi đá, ban
ngày rất nóng nhưng ban đêm lại rất lạnh. Biển
ban ngày ít nóng hơn và ban đêm ít lạnh hơn so
với đất liền, nên ở vùng ven biển có khí hậu
điều hòa hơn.
- Sự chuyển động của không khí có vai
trò điều hòa khí hậu. Gió mùa Đông Bắc
đem đến cho miền Bắc nước ta một mùa
đông lạnh, gió mùa Tây Nam mang hơi ẩm
và làm dịu bớt cái nóng mùa hè.
- Giữa thời tiết và khí hậu có sự khác nhau
như thế nào? Thời tiết thay đổi nhanh chóng trong
một thời gian ngắn, còn khí hậu tương đối ổn
định, ít thay đổi. Ví dụ thời tiết ở Hà Nội có thể
sáng nắng, chiều mưa, nhưng khí hậu Hà Nội có
mùa đông lạnh, ít mưa; mùa hạ nóng, mưa nhiều,
chịu ảnh hưởng của bão.
Nếu nhìn lại khí hậu trong quá khứ có thể
thấy khí hậu có những biến đổi. Chúng ta từng biết
một thời kỳ lạnh giá của Trái Đất cách đây khoảng
20.000 năm thông qua bộ phim “Kỷ Băng hà”. Cách
ngày nay 10.000 năm là thời kỳ Trái Đất ấm dần
lên. Trong suốt lịch sử của Trái Đất, BĐKH luôn
diễn ra, tuy nhiên tốc độ biến đổi của khí hậu thời
kỳ xa xưa diễn ra rất chậm theo thời gian.
Như vậy BĐKH là sự thay đổi của khí hậu diễn
ra trong một khoảng thời gian dài, có thể ấm lên
hoặc lạnh đi, lượng mưa có thể tăng hoặc giảm ,
gió, các hiện tượng thời tiết.. có thể mạnh lên hoặc
yếu đi trong một khoảng thời gian dài.
Ngày nay, mỗi chúng ta đều cảm nhận được
khí hậu đang biến đổi, đó là sự nóng lên toàn
cầu, mưa nắng thất thường, các hiện tượng thời
tiết diễn ra ngày càng khốc liệt hơn...và khí hậu
biến đổi với tốc độ nhanh hơn những giai đoạn
cổ xưa rất nhiều.Thuật ngữ “BĐKH” hiện nay
được dùng để chỉ sự nóng lên toàn cầu do các
hoạt động của con người gây ra.
2. Những biểu hiệu của biến đổi khí hậu
BĐKH diễn ra trên toàn cầu, tuy nhiên biểu
hiện của BĐKH ở những khu vực khác nhau trên
Trái Đất không giống nhau. Biểu hiện rõ nét nhất
của BĐKH được thể hiện qua sự biến đổi của
nhiệt độ, lượng mưa, gió, các hiện tượng thời tiết
cực đoan...và dâng lên của mực nước biển.
a.Ở phạm vi toàn cầu
- Biến đổi của nhiệt độ
Nhiệt độ không khí của Trái Đất đang có xu
hướng tăng và ngày càng tăng nhanh hơn: Trong
vòng 50 năm từ năm 1906 đến năm1955, nhiệt
độ trung bình toàn cầu tăng khoảng 0,25ºC, từ
năm 1956 đến năm 2005 nhiệt độ trung bình toàn
cầu tăng 0,49ºC. Nhiệt độ trên lục địa tăng nhanh
hơn trên đại dương (2007).
Qua hình 1 chúng ta cũng có
thể thấy xu thế nhiệt độ trung
bình năm toàn cầu trong giai
đoạn 1880-2010 liên tục tăng.
Trong 100 năm qua, nhiệt độ
trung bình toàn cầu đã tăng
khoảng 0,74ºC, tốc độ tăng của
nhiệt độ trong 50 năm gần đây
gần gấp đôi so với 50 năm
trước đó. Thập kỷ 2001-2010
là thập kỷ nóng nhất, so với
các thập kỷ trước đó.
Hình 1. Sự thay đổi nhiệt
độ trung bình toàn cầu từ
năm 1880 đến năm 2010
- Các hiện tượng thời tiết cực đoan
Trong những năm gần đây, các hiện tượng
thời tiết cực đoan như nắng nóng, mưa lớn,
bão... ngày càng khốc liệt hơn. Nắng nóng diễn
ra khắp mọi nơi trên thế giới. Có thể ví dụ những
ngày cuối tháng 1 năm 2009, nhiệt độ ở thành
phố (Úc) có thời điểm lên tới 46,4ºC, là nhiệt độ
cao nhất trong lịch sử 150 năm qua, và hệ quả
trong những ngày này, cháy rừng xảy ra trên diện
rộng gây thiệt hại lớn về người và của cho nước
Úc. Người ta đã ví như nước Úc đang trải qua
những ngày bão lửa
Đợt nắng nóng cuối tháng 6 năm 2010 đã tràn
qua Matxcơva (Nga) kéo dài trong suốt tháng 7
làm cháy hàng nghìn hecta rừng và làm cho thành
phố Matxcơva chìm trong khói bụi. Mùa mưa lũ
2007 ở Đông Á khiến 3 triệu người Trung Quốc
mất nhà cửa, nhiều vùng rộng lớn của nước này
ghi nhận lượng mưa lớn nhất từ khi sử sách ghi
chép được.
- Bão
BĐKH làm cho nhiệt độ nước biển tăng cao,
bốc hơi nhiều tạo nên nguồn năng lượng lớn cho
các cơn bão nhiệt đới, chính vì vậy các cơn bão
mạnh ngày xuất hiện càng thường xuyên hơn.
Trong những năm gần đây thế giới đã quan sát
được những cơn bão có cường độ kỷ lục, đường
đi bất thường, không theo quy luật gây khó khăn
cho công tác dự báo thời tiết. Ví dụ năm 1999,
trận siêu bão đổ bộ vào khu vực Đông Bắc bang
Orrissa của Ấn Độ làm 10.000 người thiệt mạng.
Tháng 8 năm 2005, bão
Katrina là một trong ba cơn
bão mạnh nhất trong lịch
sử Hoa Kỳ với sức gió lên
tới 241 km/h đổ bộ vào
miền Đông Nam Hoa Kỳ và
đã trở thành một trong
những thiên tai kinh khủng
và tổn thất lớn nhất trên thế
giới.
Hình 2. Bão Katrina là cơn bão
mạnh thứ ba trong lịch sử Hoa Kỳ
với sức gió lên tới 241 km/h
Vào đầu tháng 5 năm 2008, cơn bão Nagis với
đường đi bất thường đột ngột đổi hướng và mạnh
lên thành siêu bão (cấp 14-15) và đổ bộ vào bờ
biển Mianma làm cho hơn 22 nghìn người thiệt
mạng và hơn 41 nghìn người mất tích.
- Mực nước biển dâng
BĐKH với sự ấm lên toàn cầu đã làm cho
băng tan ở các cực, trên các đỉnh núi cao và làm
cho nước biển giãn nở ra do nhiệt độ tăng. Các
hệ quả trên đã làm mực nước biển dâng cao.
Trong giai đoạn 19932011, tốc độ dâng của mực
nước biển trung bình toàn
cầu khoảng 3.16 mm/năm
trong đó đóng góp do giãn
nở vì nhiệt khoảng
1mm/năm và tan băng
khoảng 2 mm/năm. Trên
quy mô toàn cầu, xu thế
biến đổi của mực nước biển
tăng mạnh ở ven bờ Tây
Thái Bình Dương.
Hình 3. Mực nước biển trung bình và
xu thế mực nước biển toàn cầu giai
đoạn 1993-2011
a.Ở Việt Nam
- Biến đổi của nhiệt độ
Theo các nhà khoa học, nhiệt độ có xu thế
tăng lên rõ rệt trên tất cả các vùng khí hậu của
nước ta và tăng trong tất cả các mùa (xuân, hạ,
thu, đông).
Trong vòng 50 năm qua,
nhiệt độ không khí trung
bình năm tăng khoảng
0,6-0,9ºC; nhiệt độ trung
bình tăng 0,8-1,2ºC
trong mùa đông; 0,50,8ºC trong mùa xuân;
0,4-0,8ºC trong mùa hạ;
0,5-0,8ºC trong mùa thu.
Hình 6. Sự thay đổi nhiệt độ trung
bình năm tại trạm Láng-Hà Nội giai
đoạn 1961 đến năm 2010
Như vậy có thể thấy tốc độ gia tăng nhiệt độ
trong mùa đông nhanh hơn tốc độ gia tăng nhiệt
độ trong mùa hạ. Trong vòng 50 năm qua số
ngày rét giảm đi rõ rệt.
- Biến đổi của lượng mưa
Lượng mưa giảm vào mùa khô và tăng vào
mùa mưa ở hầu hết các vùng khí hậu ở nước ta.
Xu thế lượng mưa năm giảm ở các vùng khí hậu
phía Bắc và tăng ở các vùng khí hậu phía Nam.
Ở nước ta, mưa trái mùa và mưa lớn bất thường
xảy ra ngày càng thường xuyên hơn. Ví dụ tại
Hà Nội các đợt mưa trong các năm 1996, 2008,
2010 đã gây ngập lụt trên diện rộng ở cả nội
thành và ngoại thành.
- Biến đổi của các hiện tượng thời tiết cực
đoan
Trong những năm gần đây, các hiện tượng
thời tiết cực đoan như nắng nóng, rét đậm, rét
hại, lốc tố ngày càng khốc liệt hơn. Năm 2010 là
một ví dụ điển hình cho hiện tượng nắng nóng
trái mùa. Nắng nóng xuất hiện sớm, nhiều đợt
nắng diễn ra liên tiếp với cường độ gay gắt, nền
nhiệt độ các tháng đều cao hơn so với trung
bình nhiều năm từ 1,5 - 2,5ºC.
Ngay từ tháng 2 năm 2010, theo thông lệ hàng
năm, người dân miền Bắc phải chống chịu với
cái rét tái tê (rét nàng Bân) thì trái lại, người dân
nơi đây phải đối mặt với nắng nóng lên đến 3536ºC. Tại Nam Bộ, nắng nóng kéo dài trong suốt
tháng 4 và 5 -2010. Đầu tháng 5 năm 2010, tại
Quỳ Châu (Nghệ An) đo được nhiệt độ tối cao
tuyệt đối lên đến 42,5ºC.
Xu thế nhiệt độ tăng, song vẫn có những
trận rét lịch sử. Đợt rét trong tháng 1 năm 2011 là
một trong ba trận rét khốc liệt nhất mà ngành Khí
tượng-Thủy văn nước ta đã thu thập được. Trận
rét này xảy ra trên diện rộng tại các tỉnh Bắc Bộ
và miền núi phía Bắc. Tại đỉnh Mẫu Sơn tỉnh
Lạng Sơn, nhiệt độ đã hạ xuống tới -3,6ºC, kèm
theo băng giá dày đặc kéo dài trong nhiều ngày.
- Biến đổi của bão
Bão có cường độ mạnh xuất hiện nhiều hơn
trong những năm gần đây. Siêu bão Durian, hình
thành ngày 24 tháng 11 năm 2006 và tan ngày 5
tháng 12 năm 2006, có cường độ siêu mạnh với
sức gió mạnh nhất lên tới 250 km/h, lại có đường
đi dịch chuyển về phía Nam là một ví dụ điển
hình biểu hiện của BĐKH tại Đông Nam Bộ.
Hình 5. Bão Goni hình thành
ngày 30 tháng 7 và tan ngày 9
tháng 8 năm 2009
Trong thập niên gần đây,
đường đi của các cơn bão
ngày càng bất thường hơn.
Cơn bão Goni là cơn bão
có diễn biến kỳ lạ nhất trong
lịch sử khí tượng Việt Nam
Cơn bão có hướng di
chuyển ngược chiều kim
đồng hồ và vòng quanh đảo
Hải Nam không hướng vào
đất liền mà quay ngược ra
Biển Đông.
Chính vì vậy, việc dự báo diễn biến bão ngày
nay rất khó khăn đối với các nhà chuyên môn
và cũng gây khó khăn trong việc chuẩn bị đối
phó với bão.
Phạm vi hoạt động của bão có xu thế dịch
chuyển về phía Nam và mùa bão kết thúc muộn
hơn. Bão Linda (11/1997), Mulfa (11/2004) là
những cơn bão đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Cà Mau,
nơi mà trước đây hầu như không có bão.
Theo quy luật, mùa bão trung bình bắt đầu
khoảng tháng 5, 6, 7 đổ bộ vào các tỉnh ven biển
Bắc Bộ; tháng 8, 9 bão đổ bộ vào các tỉnh ven biển
Trung Bộ; tháng 10, 11, 12 đổ bộ vào Nam Bộ.
Gần đây quy luật đó trở nên thất thường hơn, có
những cơn bão xảy ra rất sớm ví dụ như cơn bão
bão số 1 năm 2012 (với tên quốc tế là Pakhar) là
một cơn bão sớm (cuối tháng 3) và đặc biệt bởi
cường độ mạnh (cấp 8, cấp 9), và lại xuất hiện ở
các tỉnh nam Trung Bộ và Nam Bộ ngay từ những
ngày đầu mùa bão.
- Mực nước biển dâng
Tốc độ dâng lên của mực
nước biển trung bình trong giai
đoạn 1960–2008 ở nước ta
khoảng 3,5 mm/năm, tương
đương với tốc độ dâng lên của
mực nước trung bình đại dương
thế giới. Tốc độ dâng tại trạm Hòn
Dấu (Hải Phòng) là 3,69 mm/năm,
tại trạm Sơn Trà (Đà Nẵng) là 3,1
mm/năm, tại trạm (Vũng Tàu) là
3,38 mm/năm.
Hình 6. Biến trình nhiều năm
và xu thế mực nước biển
dâng ở trạm Hòn Dáu (Hải
Phòng)
Như vậy những biểu hiện chính của BĐKH
được thể hiện qua xu hướng gia tăng nhiệt của
nhiệt độ ngày cao hơn; mưa nhiều hơn vào mùa
mưa và ít hơn vào mùa khô; các hiện tượng thời
tiết cực đoan ngày càng khốc liệt hơn; tốc độ
dâng của mực nước biển ngày càng nhanh hơn.
II. Đặc điểm và nguyên nhân của biến đổi
khí hậu
Hoạt động 2
Thầy/cô hãy độc lập suy nghĩ sau đó trao
đổi nhóm để trả lời câu hỏi sau:
1. Nêu những đặc điểm chính của BĐKH?
2. Những nguyên nhân của BĐKH?
Thông tin phản hồi cho hoạt động 2
1. Đặc điểm của biến đổi khí hậu toàn cầu
- BĐKH diễn ra chậm, từ từ, khó phát hiện,
khó ngăn chặn và đảo ngược.
BĐKH diễn ra một cách rất chậm chạp, từ từ,
không rõ rệt. Trong vòng 100 năm, nhiệt độ trung
bình của Trái Đất tăng 0,74ºC. Nguyên nhân, biểu
hiện của BĐKH ở những khu vực khác nhau trên
Trái Đất cũng khác nhau nên không ngăn chặn
hoặc đảo ngược tình thế được.
- BĐKH diễn ra trên phạm vi toàn cầu, có ảnh
hưởng đến tất cả các lĩnh vực có liên quan đến
đời sống và hoạt động của con người. Mức độ
ảnh hưởng của BĐKH diễn ra không đồng đều ở
những lãnh thổ khác nhau. Người dân ở vùng
đồng bằng thấp ven biển, những người nghèo,
người già, phụ nữ và trẻ em là đối tượng chịu tổn
thương lớn nhất do BĐKH gây ra.
- BĐKH diễn ra với cường độ ngày một tăng
và hậu quả khó lường trước. Các số liệu thống
kê và các quan sát trong những năm gần đây
cho thấy mức độ BĐKH ngày một lớn, mạnh và
bất thường, trái hẳn với quy luật vốn có. Vì vậy
BĐKH gây nên những hậu quả và thiệt hại rất to
lớn, khó lường.
- BĐKH là nguy cơ lớn nhất mà con người phải
đối mặt với tự nhiên trong suốt lịch sử phát triển
của mình.
Các tai biến thiên nhiên khác như động đất,
sóng thần, núi lửa... thường hay xảy ra cục bộ ở
một địa phương nhất định, trong một thời gian
ngắn. Tuy nhiên tác động của BĐKH gây ra
những thiệt hại rất lớn và lâu dài đối với con
người.
Những trận lũ lụt lớn, những trận hạn hán,
những cơn siêu bão, những đợt nóng lạnh bất
thường hay xảy ra trên một diện rộng và vào
bất kỳ thời điểm nào trong năm, là hiểm hoạ tự
nhiên to lớn nhất mà loài người phải gánh
chịu.
2. Nguyên nhân của biến đổi khí hậu
Theo các nhà khoa học, nguyên nhân gây ra
BĐKH do các quá trình tự nhiên và do hoạt động
của con người.
a. Nguyên nhân tự nhiên
Nhân tố quan trọng nhất hình thành khí
hậu là bức xạ mặt trời. Khi nguồn năng lượng
này có những biến động, tất yếu sẽ làm cho khí
hậu Trái Đất biến động. Sự biến động của
nguồn năng lượng bức xạ mặt trời chiếu tới bề
mặt Trái Đất có thể do các nguyên nhân sau:
- Chu kì hoạt động của Mặt Trời thể hiện
thông qua sự xuất hiện các vết đen mặt trời, làm
thay đổi cường độ bức xạ mặt trời là nguyên nhân
gây ra BĐKH.
Hình 7: Góc nghiêng giữa trục quay
của Trái Đất với mặt phẳng hoàng đạo
dao động với chu kỳ chu kỳ 26.000
năm
- Góc nghiêng giữa trục
quay của Trái Đất với mặt
phẳng hoàng đạo dao động
với chu kỳ chu kỳ 26.000
năm. Hiện nay trục quay của
Trái Đất hướng về sao Bắc
Cực. Sau khoảng 12.000
năm nữa trục Trái Đất sẽ
hướng về sao rất sáng-sao
Chức Nữ, và khi đó ở Bắc
bán cầu tháng 1 sẽ là mùa
hè, tháng 7 là mùa đông.
- Khói bụi do hoạt động của núi lửa phun trào
hoặc do sự va đập của các thiên thạch vào Trái
Đất gây nên các vụ nổ rất lớn làm lớp không khí
sát bề mặt đất bị che phủ ngăn cản năng lượng
bức xạ mặt trời chiếu tới Trái Đất khiến cho Trái
Đất bị lạnh đi. Khí phát ra từ núi lửa có chứa nhiều
khí sulfur đioxit. Chất khí này kết hợp với hơi nước
trong tầng bình lưu tạo thành mây với những giọt
axit sulfuric nhỏ li ti. Những phần tử này tồn tại
một vài năm trong khí quyển, phản xạ lại bức xạ
mặt trời làm Trái Đất lạnh đi.
- Sự biến động của thành phần các chất khí
trong khí quyển cũng luôn diễn ra, thường là khi
thành phần hơi nước và điôxit cacbon (CO2)
tăng lên làm cho nhiệt độ không khí cũng tăng
lên.
BĐKH do các quá trình tự nhiên này thường
diễn ra rất chậm, trong thời gian dài hàng vạn
năm. Bởi vậy phần lớn sinh vật trên Trái Đất vẫn
có khả năng thích nghi được với sự BĐKH này và
tồn tại được.
b. Hoạt động của con người và biến đổi khí
hậu hiện đại
Khái niệm khí nhà kính và hiệu ứng nhà
kính
Theo các nhà khoa học, nguyên nhân chính
gây BĐKH hiện nay do sự gia tăng nồng độ khí nhà
kính trong bầu khí quyển. Vậy khí nhà kính là gì và
nguyên nhân nào làm gia tăng lượng khí nhà kính?
Hình 8. Tấm ni lông giữ ấm
cho mạ trong những ngày giá
rét
Nếu đi qua đồng ruộng vào
mùa đông, chúng ta thấy người
nông dân dùng các tấm ni lông
che mạ để giữ ấm cho mạ trong
những ngày giá rét . Ở châu Âu,
để có những quả cà chua đỏ
mọng, những quả dưa chuột tươi
ngon trong mùa đông giá lạnh,
người ta đã xây dựng những dãy
nhà kính trên quy mô rất lớn, và
đặt trong nhà kính hệ thống lò
sưởi để trồng cây.
Vậy vì sao bên trong tấm ni lông, hay bên
trong nhà kính lại ấm và cây vẫn phát triển được?
Trong các trường hợp trên, ánh sáng Mặt Trời đi
qua tấm ni lông hoặc kính làm không khí bên
trong, cây cối và mặt đất nóng lên. Tuy nhiên kính
và ni lông lại giữ không cho nhiệt thoát ra bên
ngoài.
Trong bầu khí quyển chứa các chất khí có
vai trò giống như nhà kính. (Vậy khí nhà kính
là gì?)
Khí nhà kính là các chất khí có khả năng hấp
thụ năng lượng do mặt đất phát ra, và tỏa năng
lượng trả lại mặt đất, làm mặt đất ấm lên.
Các chất khí nhà kính tự nhiên trong khí quyển
bao gồm hơi nước, Cacbon điôxit, mêtan, ôxít
nitơ, ozôn. Theo các nhà khoa học, nếu không có
các chất khí này, nhiệt độ trung bình của Trái Đất
chỉ khoảng -18ºC và bề mặt Trái Đất sẽ vô cùng
lạnh lẽo, không có sự sống.
Nhờ bầu khí quyển của chúng ta có chứa một
lượng khí nhà kính thích hợp, đặc biệt là nhờ
hơi nước, nhiệt độ trung bình của Trái Đất chúng
ta khoảng 15ºC. Khí nhà kính được ví như cái
chăn, giữ cho mặt đất ấm hơn, tạo điều kiện
thuận lợi cho sự sống trên Trái Đất phát triển,
sinh sôi, nảy nở, trăm hoa đua sắc.
Vậy Hiệu ứng khí nhà kính là gì?
Hiệu ứng nhà kính là hiệu quả giữ nhiệt do
mặt đất phát ra của các chất khí nhà kính trong
khí quyển, làm giảm lượng nhiệt thất thoát vào
vũ trụ.
- Sự gia tăng hàm lượng các chất khí nhà kính
do tác động của con người
Các chất khí nhà kính nguồn gốc tự nhiên có
vai trò điều hòa nhiệt độ ngày đêm, giữ ấm cho
Trái Đất. Tuy nhiên các hoạt động của con người
đã làm gia tăng đáng kể lượng khí nhà kính trong
khí quyển làm cho nhiệt độ của bầu khí quyển
gần Trái Đất và nhiệt độ bề mặt Trái Đất tăng lên
khác thường.
Trong tự nhiên, khí Cacbon điôxit phát thải
trong quá trình hô hấp, do sự phân hủy xác sinh
vật hoặc khí thoát ra từ núi lửa phun trào. Cacbon
điôxit là chất khí có hàm lượng đứng thứ hai trong
các khí nhà kính, sau hơi nước. Con người đã làm
gia tăng đáng kể hàm lượng Cacbon điôxit. Để
đáp ứng các nhu cầu về vật chất của con người,
cuộc cách mạng công nghiệp đã diễn ra cách đây
khoảng 200 năm ra và từ đó con người đã sử
dụng ở quy mô công nghiệp than đá làm nhiên
liệu, sau này là các sản phẩm của dầu mỏ, khí đốt.
Khi các nhiên liệu này bị đốt sẽ thải một lượng rất
lớn khí nhà kính vào môi trường làm gia tăng
lượng khí nhà kính trong khí quyển. Nếu như con
người không hạn chế sử dụng các nhiên liệu trên,
thì dự báo đến năm 2150 thành phần khí Cacbon
điôxit trong khí quyển sẽ là 600 phần triệu. Khi đó,
các sinh vật và con người sẽ đứng trước một đại
thảm họa khí hậu.
Sự bùng nổ dân số trên thế giới đã buộc loài
người phải chặt phá rừng để lấy đất ở và đất
trồng trọt. Tuy nhiên, rừng có vai trò hấp thụ khí
Cacbon điôxit trong tự nhiên và sự suy giảm diện
tích rừng phá vỡ sự cân bằng khí Cacbon điôxit,
làm gia tăng hàm lượng Cacbon điôxit trong khí
quyển.
Mêtan cũng là chất khí nhà kính quan trọng.
Mêtan thoát ra ngoài từ các hoạt động khai thác
mỏ than, khí tự nhiên. Mêtan cũng phát thải từ
những cánh đồng lúa nước và từ hệ tiêu hóa của
đại gia súc móng guốc (dê, bò, cừu). Sự gia tăng
dân số làm kéo theo sự gia tăng lượng lúa gạo và
thịt đại gia súc móng guốc, tức là gián tiếp làm
gia tăng nồng độ khí Mêtan trong khí quyển. Khí
Mêtan đứng sau khí Cacbon điôxit về tiềm năng
gây ra hiệu ứng nhà kính.
Ôxít nitơ tạo ra trong quá trình phân hủy các
hợp chất của nitơrát trong đất và đại dương bởi
vi khuẩn. Các hoạt động của con người như sử
dụng phân bón nitơ để tăng năng suất cây trồng,
đốt nhiên liệu hóa thạch góp phần gia tăng hàm
lượng ôxít nitơ. Khí Ôxít nitơ đứng sau khí Mêtan
về hàm lượng cũng như mức độ ảnh hưởng đến
hiệu ứng nhà kính.
Không giống như Cacbon điôxit,Mêtan và
Ôxit nitơ, Halocacbon không có nguồn gốc tự
nhiên mà được tạo bởi con người. Halocacbon
được sử dụng trong trong công nghiệp làm lạnh,
công nghiệp tẩy rửa vi mạch của máy tính. Khí
Halocacbon đứng sau khí Ôxít nitơ về tiềm năng
gây ra hiệu ứng nhà kính.
Tóm lại, để đáp ứng nhu cầu vật chất ngày
càng lớn và sự gia tăng dân số, con người đã
khai thác kiệt quệ nguồn tài nguyên trên Trái Đất
(sử dụng nhiên liệu hóa thạch như than, dầu mỏ,
khí đốt; chặt phá rừng) làm gia tăng hàm lượng
các chất khí nhà kính trong khí quyển gây ra
BĐKH.
III. Tác động của biến đổi khí hậu đối với tự
nhiên và mọi mặt hoạt động của con người
Hoạt động 3
Thầy/cô hãy độc lập suy nghĩ sau đó trao
đổi nhóm để trả lời câu hỏi sau:
- Nêu tác động của BĐKH đối với tự
nhiên và mọi mặt đời sống của con người ?
Thông tin phản hồi cho hoạt động
BĐKH được đánh giá là một trong những
hiểm họa ảnh hưởng lớn nhất đối với nhân loại
trong thế kỷ 21. Các tác động của BĐKH ảnh
hưởng tới mọi lĩnh vực của cuộc sống. Tuy
nhiên, ở những lãnh thổ khác nhau thì mức độ
ảnh hưởng do BĐKH gây ra cũng khác nhau.
Việt Nam được đánh giá là một trong số các
nước chịu tổn thương lớn nhất bởi những tác
động của BĐKH.
Các tác động chính của BĐKH là: làm gia tăng
các thiên tai gây ngập lụt trên diện rộng; làm mất
đi một số loài động vật, thực vật; gây mất mùa,
bệnh tật và dịch bệnh; gây ra những thiệt hại lớn
về người và của. Đối tượng chịu tổn thương lớn
nhất do BĐKH gây ra là nông dân nghèo, người
già, phụ nữ và trẻ em.
- Làm gia tăng các thiên tai
BĐKH đã làm cho các thiên tai, đặc biệt là
bão, lũ lụt, lũ quét, hạn hán ngày càng khốc liệt
hơn. BĐKH ảnh hưởng rất rõ rệt đến đất nước
ta. Vào mùa khô, lượng mưa quá ít gây hạn hán
trên diện rộng là một trong những khó khăn mà
người nông dân phải đối mặt.
Cường độ và thời gian hạn hán ngày một gia
tăng đã kéo theo sự xâm nhập mặn ở vùng ven
biển đang là thách thức lớn với sản xuất nông
nghiệp. Vào mùa mưa, có những cơn mưa kỷ
lục với cường độ rất lớn, thời gian rất dài đã
gây lũ lụt ở đồng bằng, lũ quét và sạt lở đất ở
miền núi gây thiệt hại nghiêm trọng về người và
của.
Hình 9. Nước lũ nhấn
chìm huyện
Nghi Xuân (Hà tĩnh)
Tháng 10 năm 2010 từ Nam
Nghệ An đến Quảng Nam đã có
mưa to đến rất to gây ra các trận
lũ lớn từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên
Huế. Chỉ sau đó chưa đầy 10
ngày, ở các tỉnh miền Trung lại
xuất hiện đợt lũ chồng lũ với đỉnh
lũ cao chưa từng thấy. Nước lũ
tập trung nhanh gây ngập lụt
nghiêm trọng, kéo dài nhiều ngày
làm cho thành phố Hà Tĩnh và 7
xã chìm trong biển nước.
Tại đồng bằng sông
Cửu Long cơn lốc xoáy
bất ngờ gây thiệt hại nặng
nề cho người dân huyện
Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang
làm 02 người bị thương,
100 căn nhà bị sập, 58
căn bị tốc mái và ước tính
thiệt hại ban đầu là một tỷ
đồng.
Triều cường gây ngập lụt hàng loạt tuyến đường
ở TP Cần Thơ, trong đó có đường Phan Đình
Phùng, quận Ninh Kiều. (Ảnh: GIA TUỆ )
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hậu Giang, do tác
động của BĐKH – Nước biển dâng, qua 05 tháng
đầu năm 2013 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã xãy
ra 04 cơn lốc xoáy, 13 điểm sạt lở tại các huyện:
Châu Thành, TX Ngã Bảy và TP Vị Thanh chiếm
hơn 3.900m2 đất bị mất. Hạn hán mặn xâm nhập
ngày càng gây gắt, độ mặn đo được 90/00 ở Vị
Thanh và 12,10/00 ở huyện Long Mỹ làm cho
6000ha lúa hè thu không xuống giống được… Tổng
thiệt hại chung lên 60 tỷ đồng.
- Ngập lụt vùng ven biển
Diện tích băng biển Bắc cực đang giảm 2,7%
mỗi thập kỷ (2007). Băng tan, nước biển dâng,
vùng ven biển bị ngập khiến các bãi triều bị chìm
ngập trong nước biển, các nguồn lợi hải sản bị
cạn kiệt. Ngoài ra, đồng ruộng vùng đất thấp có
thể bị nhiễm mặn, xói mòn khiến năng suất lương
thực và hoa màu bị suy giảm, nhà cửa bị ngập lụt
khiến người dân phải di cư đến nơi ở mới.
Việt Nam chúng ta có những bãi tắm đẹp
vào bậc nhất trên thế giới, như bãi tắm Lăng Cô,
bãi tắm Mỹ Khê...có Vịnh Hạ Long ba lần được
công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Tuy
nhiên, khi nước biển dâng, nhiều bãi tắm đẹp,
nhiều điểm tham quan nổi tiếng sẽ mất đi sự hấp
dẫn, bị thu hẹp hoặc biến mất.
- Sự mất đi của một số loài sinh vật
Nhiệt độ tăng, mưa thất thường, các hiện
tượng thời tiết cực đoan khiến nhiều loài sinh vật
không thể thích nghi với môi trường sống mới sẽ
bị suy thoái dần hoặc tuyệt chủng. Nước biển
dâng, xâm nhập mặn sẽ làm chết nhiều loài độngthực vật nước ngọt.
Nước biển dâng sẽ làm môi trường sống của rừng
ngập mặn biến động (thay đổi độ mặn, diện tích
đất ngập nước giảm), gây ảnh hưởng đến sức
sống của hệ sinh thái rừng ngập mặn, thu hẹp
diện tích rừng ngập mặn, đe dọa sự sống của rất
nhiều loài sinh vật sống trong rừng ngập mặn.
Rạn san hô được ví như rừng nhiệt đới dưới
biển là một hệ sinh thái rất đa dạng, phong phú
với nhiều loài sinh vật tồn tại chung sống. Tuy
nhiên, đây lại là hệ sinh thái rất nhạy cảm, cần
phải sống trong môi trường nước với nhiệt độ ổn
định. Khi nhiệt độ nước biển thay đổi sẽ làm một
diện tích lớn san hô bị suy thoái, thậm chí biến
mất.
- Mất mùa
Nhiệt độ tăng làm cho sâu bệnh ngày càng phát
triển mạnh, ảnh hưởng lớn đến năng suất cây trồng.
Trong những năm gần đây, lũ quét, lũ lụt đặc biệt lớn
và xảy ra thường xuyên hơn ở miền Trung và miền
Nam gây ngập lụt trên diện rộng; vào mùa khô, hạn
hán xảy ra hàng năm ở hầu hết các khu vực trong cả
nước; các cánh đồng khi thì bị khô hạn, khi thì bị
ngập úng khiến năng suất giảm. Do các hiện tượng
thời tiết cực đoan quá khốc liệt, ví dụ như giá lạnh bất
thường ở miền Bắc có thể dẫn đến mất trắng mùa
màng.
- Thiệt hại về người và của
Biến đổi khí hậu với các biểu hiện thời tiết cực
đoan đã gây những thiệt hại nặng nề về người và
của. Theo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung
ương, đợt lũ đầu tháng 10/2010 ở miền Trung nước
ta đã làm chết 66 người, 19 người mất tích, 55
người bị thương, hàng nghìn ngôi nhà bị sập, hàng
trăm nghìn ngôi nhà bị ngập, hư hỏng, tốc mái, 3700
ha lúa bị úng ngập, 17362 ha hoa màu bị ngập, đổ...
thiệt hại vật chất lên tới 3190 tỷ đồng. Đợt lũ thứ hai
làm 77 người chết, kèm theo những thiệt hại to lớn
cho mùa màng và tài sản.
Theo kịch bản BĐKH, nước biển dâng cho Việt
Nam cho thấy, nếu nước biển dâng 1m thì:
+ Khoảng 39% diện tích đồng bằng sông Cửu
Long, trên 10% diện tích đồng bằng sông Hồng và
Quảng Ninh, trên 2,5% diện tích thuộc các tỉnh
ven biển miền Trung có nguy cơ bị ngập. Khu vực
thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ bị ngập tới
trên 20% diện tích.
+ Cả nước có khoảng trên 4% hệ thống đường
sắt, trên 9% hệ thống quốc lộ và khoảng 12% hệ
thống tỉnh lộ sẽ bị ảnh hưởng.
+ Gần 35% dân số thuộc các tỉnh vùng đồng
bằng sông Cửu Long, trên 9% dân số vùng đồng
bằng sông Hồng và Quảng Ninh bị ảnh hưởng trực
tiếp, riêng thành phố Hồ Chí Minh khoảng 7%, và
các tỉnh ven biển miền Trung gần 9% dân số bị ảnh
hưởng.
- Bệnh tật và dịch bệnh
Hình 10. Muỗi và một số côn trùng, ký
sinh trùng mang bệnh có thể gây ra các
dịch bệnh
Do nhiệt độ tăng lên,
các loài côn trùng gây
bệnh và ký sinh trùng
như muỗi phát triển
nhanh hơn, nhiều hơn
và các dịch bệnh
truyền nhiễm như sốt
rét, sốt xuất huyết,
viêm màng não sẽ
phát triển mạnh hơn.
Thiếu nước và nắng nóng làm gia tăng nguy cơ
mắc các bệnh như: suy dinh dưỡng, tiêu chảy, các
bệnh tim và phổi; ngập lụt, ô nhiễm cũng là nguyên
nhân gây bùng phát các bệnh dịch. Nông dân và
ngư dân nghèo ven biển, người già, phụ nữ và trẻ
em là đối tượng dễ bị bệnh tật và dịch bệnh nhất.
Tuy nhiên đáng lo ngại hơn, do BĐKH có thể
xuất hiện nhiều bệnh mới. Gần đây đã xuất hiện
nhiều loại bệnh gây tử vong cao như: SARS, cúm
A/H5N1, cúm A/H1N1.
IV. Hành động ứng phó với biến đổi khí hậu
Hoạt động 4
Thầy/cô hãy độc lập suy nghĩ sau đó trao đổi
nhóm để trả lời câu hỏi sau:
1. Ứng phó với BĐKH là gì ?
2. Nêu một số hoạt động ứng phó với
BĐKH trên thế giới và ở Việt Nam?
3. Nêu những hành động giảm nhẹ BĐKH ?
4. Nêu những hành động thích ứng với
BĐKH ?
Thông tin phản hồi cho hoạt động 4
1. Ứng phó với biến đổi khí hậu
Ứng phó với biến đổi khí hậu là các hoạt động
của con người nhằm thích ứng và giảm nhẹ các
tác nhân gây ra biến đổi khí hậu.
Thích ứng với biến đổi khí hậu là sự điều
chỉnh hệ thống tự nhiên hoặc con người đối với
hoàn cảnh hoặc môi trường thay đổi, nhằm mục
đích giảm khả năng bị tổn thương do biến đổi khí
hậu và tận dụng các cơ hội do nó mang lại.
Giảm nhẹ biến đổi khí hậu là các hoạt động
nhằm giảm mức độ hoặc cường độ phát thải khí
nhà kính.
2. Một số hoạt động ứng phó với biến đổi khí
hậu trên thế giới và ở Việt Nam
BĐKH là vấn đề toàn cầu. Nếu như con người
không có sự thay đổi trong các hoạt động công
nghiệp và dân sinh, nếu như mỗi cá nhân không
hành động ứng phó với BĐKH từ bây giờ, thì
BĐKH sẽ tạo nên một thảm họa đối với môi
trường sống của con người và sinh vật. Đứng
trước thảm họa về BĐKH, cả thế giới đã đồng
lòng chung tay cùng ứng phó với BĐKH.
Năm 1988, Ủy ban liên chính phủ về BĐKH
được thành lập nhằm thu thập và đánh giá các
bằng chứng, biểu hiện của BĐKH.
Năm 1992, 155 nước trong đó có Việt Nam đã
ký Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH
nhằm đạt được sự ổn định khí nhà kính trong khí
quyển ở mức an toàn cho sự sống trên Trái Đất.
Năm 1994, Việt Nam phê chuẩn và trở thành thành
viên của UNFCC.
Năm 1997, hội nghị của UNFCC ký kết nghị
định thư KYOTO về cắt giảm phát thải khí nhà
kính đối với các nước công nghiệp. Năm 2002
Việt Nam phê chuẩn Nghị định thư KYOTO. Năm
2005, Nghị định thư KYOTO có hiệu lực ở Việt
Nam.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã tham gia
nhiều hoạt động quốc tế về BĐKH
Năm 2008 Việt Nam phê duyệt chương trình
mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH. Tháng 6
năm 2010, Việt Nam thông qua Luật sử dụng
năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Việt Nam đã tích cực hưởng ứng các phong
trào Giờ Trái Đất (tắt các thiết bị điện không ảnh
hưởng lớn đến sinh hoạt trong thời gian từ 8h30
đến 9h30 tối ngày thứ Bảy trong tuần của tháng
Ba hàng năm). Hiện nay đã có 30 tỉnh thành và
hàng ngàn doanh nghiệp đăng ký tham gia Giờ
Trái Đất.
3. Những hành động thích ứng với biến đổi
khí hậu
- Tự bảo vệ mình trước thiên tai
Các hiện tượng thời tiết ngày càng cực đoan
hơn, lũ lụt, lũ quét có thể xuất hiện bất ngờ không
kịp đối phó. Để thích ứng với tác động của BĐKH
cần học bơi ngay từ bây giờ. Đây là một cách rèn
luyện thể lực và giúp ứng phó tốt khi gặp các thiên
tai như lũ lụt, lũ quét, ngập úng.
Hãy mang theo quần áo ấm khi có thông báo
về các đợt không khí lạnh, các đợt không khí
lạnh tăng cường, vì nhiệt độ không khí có thể hạ
rất thấp ảnh hưởng đến sức khỏe. Những ngày
trời nắng nhớ đội mũ, khi ra đường nên bôi kem
chống nắng để trách tác hại của các tia nắng ban
ngày.
Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới, thường
xuyên xuất hiện các cơn mưa dông. Sự nóng nên
toàn cầu là tác nhân làm cho các cơn mưa dông
xuất hiện nhiều hơn, tích điện nhiều hơn, sét có thể
thường xuyên hơn và cường độ mạnh hơn. Hãy
nhớ các kiến thức tránh sét, nên rút phích cắm các
thiết bị điện trước các cơn mưa dông. Với các
đường dây điện thoại hay dây điện vì nối với lưới
bên ngoài nên rất có thể bị ảnh hưởng sét đánh lan
truyền, nên tránh xa các đường dây điện thoại, các
vật dùng điện với khoảng cách ít nhất là 1m, cần
rút dây anten khỏi TV khi có dông.
Khi đang đi ngoài đường, tuyệt đối không trú mưa
dưới cây to, tránh các khu vực cao hơn xung
quanh, tránh xa các vật dụng kim loại như xe đạp,
xe máy, hàng rào sắt..vì có thể bị sét đánh. Nếu
xung quanh toàn cây xanh, thì hãy tìm chỗ thấp,
tìm vị trí cây thấp để trú, người ở vị trí càng thấp
càng tốt, tay ôm cổ, cố gắng phần tiếp xúc của
người với mặt đất là ít nhất.
- Phòng các dịch bệnh
Nước ta có khí hậu nóng ẩm và nhiệt độ ngày
càng tăng là nhân tố thích hợp để vi trùng, vi
khuẩn, côn trùng phát triển gây bùng phát nhiều
bệnh dịch. Gần đây đã xuất hiện nhiều loại bệnh
mới, có mức độ tử vong cao như: SARS, cúm
A/H5N1, cúm A/H1N1. Bởi vậy hãy tự bảo vệ sức
khỏe của mình và mọi người bằng cách: giữ gìn
vệ sinh, đi ngủ phải mắc màn, khi ốm nên nghỉ
học và đi khám ngay để biết bệnh gì và cách
chữa bệnh và phòng lây lan sang người xung
quanh.
Khi có dịch bệnh tại nơi ở, hãy tự bảo vệ mình
bằng cách cập nhập thông tin và làm theo các
hướng dẫn phòng bệnh, thường xuyên xúc miệng
bằng nước muối loãng (9‰) và đeo khẩu trang
sạch, ăn nhiều hoa quả tươi để tăng sức đề
kháng.
- Rèn luyện sức khỏe, bảo vệ cơ thể
Thường xuyên luyện tập thể
dục, thể thao để nâng cao sức
khỏe. Có cuộc sống luôn vui vẻ,
chan hòa với bạn bè, ngoan
ngoãn và lễ độ với người lớn sẽ
Hình 14. Hãy thường
giúp
cho
cơ
thể
khỏe
mạnh.
xuyên tập thể dục để
nâng cao sức khỏe
Thường xuyên quét nhà, giữ cho
nhà của luôn sạch sẽ để bảo vệ
cơ thể và là biện pháp thích ứng
với BĐKH.
4. Những hành động giảm nhẹ biến đổi
khí hậu
- Bảo vệ môi trường – giảm nhẹ BĐKH
- Rèn luyện sức khỏe bảo vệ cơ thể
- Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
- Sử dụng các nguồn năng lượng sạch, các thiết
bị tiết kiệm điện.
- Tiết kiệm năng lượng trong giao thông giảm
nhẹ biến đổi khí hậu.
- Thay đổi khẩu phần ăn hàng ngày.
- Tăng cường đi bộ, xe đạp.... Có lợi cho
sức khỏe góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu.
- Tiết kiệm giấy nhằm giảm nhẹ biến đổi khí hậu
- Bảo vệ môi trường – giảm nhẹ BĐKH
Cây xanh không những có vai trò hấp thụ khí
Cacbon điôxit mà còn cung cấp ôxy cho môi
trường, hấp thụ bụi làm môi trường xanh, sạch,
đẹp hơn và giảm tác động của BĐKH. Tham gia
trồng thật nhiều cây xanh và bảo vệ cây xanh là
hành động giảm nhẹ BĐKH. Trước bàn làm việc,
nếu để vài chậu cây xanh sẽ đem lại môi trường
xanh, sạch đẹp và chắc chắn giúp chúng ta có cảm
hứng hơn trong công việc.
Cần phải hạn chế rác thải vì rác hữu cơ phân hủy
tạo nên khí mêtan, tăng cường BĐKH. Ngoài ra
cũng nên phân loại rác: rác hữu cơ có thể dùng để
làm phân bón cây; giấy vụn, túi ni lông và nhiều
loại rác thải khác có có thể dùng để tái chế. Thay
đổi hành vi, thực hiện lối sống thân thiện với môi
trường. Tuyên truyền các nội dung về bảo vệ môi
trường là hành động thiết thực ứng phó với
BĐKH.
- Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Khi đi ra ngoài lớp học, phòng ở nên tắt các
dụng cụ điện, ban ngày nên mở các cửa sổ để
sử dụng ánh sáng tự nhiên và cũng giúp cho
phòng ở thông thoáng hơn. Đối với các thiết bị
điện như tivi, điều hòa, nếu để ở trạng thái chờ,
vẫn tốn điện tương đương với một bóng đèn
nhỏ, bởi vậy khi dùng xong các thiết bị điện hãy
rút hẳn phích điện ra khỏi ổ điện, khi đó chúng ta
vừa tiết kiệm điện và lại tăng tuổi thọ của thiết bị
điện.
Điều hòa nhiệt độ là thiết bị gia đình tiêu tốn
nhiều điện năng nhất, nếu dùng điều hòa nên để
nhiệt độ khoảng 26ºC hoặc cao hơn. Không nên
cắm bình nóng lạnh suốt ngày đêm, trước khi
tắm 10 phút mới bật bình nóng lạnh để tiết kiệm
điện, không nên tắm nước quá nóng, vừa không
tốt cho sức khỏe, vừa tốn năng lượng.
Chúng ta cũng nên tiết kiệm nước, vì nước
sạch là tài nguyên quý giá, ngày càng bị cạn kiệt.
Tiết kiệm nước bằng cách cho nước vào chậu để
rửa tay, rửa mặt; nước thải có thể đùng để đổ
vào bồn cầu, nước thải không có các chất tẩy
rửa có thể dùng để tưới cây. Chúng ta nên trữ
nước mưa để tưới cây, như vậy vừa tiết kiệm
nước, vừa tiết kiệm điện bơm nước góp phần
giảm thiểu tác động của BĐKH.
- Sử dụng các nguồn năng lượng sạch, các
thiết bị tiết kiệm điện
Hiện nay rất nhiều gia đình đã sử dụng các
nguồn năng lượng sạch, thay thế cho nguồn
năng lượng truyền thống ví dụ như sử dụng máy
nước nóng dùng năng lượng mặt trời, sử dụng
bếp năng lượng mặt trời để đun nấu.
Có rất nhiều thiết bị tiết kiệm
điện có dán nhãn sử dụng năng
lượng hiệu quả hoặc tiết kiệm
năng lượng như bóng đèn
compact, ti vi, tủ lạnh, điều
hòa…. Chi phí ban đầu cho các
thiết bị này có thể tốn kém,
nhưng về lâu dài sẽ mang lại
lợi ích kinh tế cao, vì không tốn
nhiều tiền điện, lại góp phần
giảm nhẹ tác động của BĐKH.
- Thay đổi khẩu phần ăn hàng ngày
Khí nhà kính từ các ruộng lúa đóng góp 30%
tổng lượng khí nhà kính mà nước ta phát thải ra
(theo số liệu năm 2010), bởi vậy sử dụng nhiều
lúa gạo cũng tác động đến BĐKH. Nên có chế độ
ăn đa dạng, với các loại thức ăn ngoài gạo như
ngô, khoai, sắn và nhiều rau. Khẩu phần ăn như
vậy vừa đảm bảo sức khỏe, vừa góp phần giảm
nhẹ tác động của BĐKH.
-Tiết kiệm năng lượng trong giao thông giảm
nhẹ BĐKH
Hình 13. Hãy đi bộ khi quãng đường không xa
Tăng cường đi bộ hoặc đi xe đạp vừa có lợi
cho sức khỏe, vừa góp phần giảm nhẹ BĐKH.
Nên tích cực sử dụng hệ thống giao thông công
cộng, giảm sử dụng phương tiện giao thông các
nhân. Hạn chế đi lại bằng các phương tiện xe
gắn máy là góp phần hạn chế sử dụng xăng giúp
giảm thiểu tác động của BĐKH. Khi xe dừng đèn
đỏ quá 30 giây, hãy tắt máy, vì khi xe máy dừng,
do nhiên liệu không được đốt triệt để, thải ra môi
trường nhiều khí độc, khí nhà kính và gây lãng
phí nhiên liệu.
- Tiết kiệm giấy nhằm giảm nhẹ BĐKH
Khoảng một nửa sản lượng gỗ khai thác từ
rừng được dùng trong công nghiệp chế tạo bột
giấy. Hàng năm đất nước chúng ta sử dụng
hàng triệu tấn gỗ để sản xuất giấy các loại.
Chính vì vậy hãy tiết kiệm giấy, không nháp vào
giấy trắng, khi in, photo hay viết vở hãy dùng cả
hai mặt giấy. Hãy thu gom sách vở cũ, không
dùng đến để tái chế giấy. Tiết kiệm giấy là hành
động bảo vệ rừng, góp phần tăng diện tích lá
phổi xanh của Trái Đất, giảm nhẹ tác động của
BĐKH.
Tìm hiểu và tham gia tích cực các hoạt động
ứng phó với biến đổi khí hậu
Hãy tìm hiểu các thông tin về BĐKH, để hiểu
hơn về bản chất của BĐKH. Tham gia các tích
cực hoạt động vì BĐKH như:
+ Chiến dịch 350.org, nhằm giảm nồng độ
Cacbon điôxit trong khí quyển xuống 350 phần
triệu.
+ Chiến dịch Giờ Trái Đất nhằm tiết kiệm
điện năng để giảm lượng khí Cacsnonic và
đánh thức sự chú ý của mọi người đối với bảo
vệ môi trường
+ Phong trào Hành trình xanh nhằm bảo vệ môi
trường…
Tích cực tham gia tuyên truyền, thảo luận các
vấn đề về biến đổi khí hậu cho người thân, cho
cộng đồng, làm thay đổi hành vi, cách ứng xử
của mọi người đối với BĐKH.
“Hãy hành động ứng phó với
BĐKH ngay từ hôm nay,
nghĩa là đã tự cứu mình và
đã góp phần cứu Trái Đất
của chúng ta khỏi thảm họa
BĐKH ngày mai!”